Năng lượng dự trữ của chó sơ sinh – Chăm sóc chó sơ sinh

Blog chamsocchocung: Chào các bạn, hôm nay lục trong máy tính thì thấy bài này. Đây là bài học ngày trước mình học về Cơ thể vật nuôi. Nếu bạn nào muốn biết về sự dữ trữ và giải phóng năng lượng ở chó sơ sinh thì bài viết này cung cấp khá đầy đủ cho các bạn tìm hiểu. Bài viết dài, mang nhiều thuật ngữ chuyên ngành, có thể sẽ hơi khó hiểu với người ngoài ngành, nhưng bài viết này sẽ trả lời cho chúng ta rất nhiều câu hỏi tại sao?

– Tại sao phải ủ ấm chó mới đẻ

– Tại sao phải cho chó mới đẻ bú sữa mẹ ngay?

– Tại sao chó con lại run khi bị lạnh?

…. Và nhiều câu hỏi khác!

Vài dòng chia sẻ với các bạn đọc Blog chamsocthucung. Xin cảm ơn đã đọc!

Hai nguồn năng lượng chính vào lúc sanh và ngay sau khi sanh là năng lượng dự trữ trong cơ thể và năng lượng từ sữa đầu. Lần bú đầu tiên thường xảy ra lúc 20 – 30 phút sau khi sanh.

Chó sơ sinh đòi hỏi được cung năng lượng lập tức ngay sau khi sinh vì giảm glucose huyết và đói là nguyên nhân chủ yếu gây chết ở chó sơ sinh. Bởi vì có sự khởi động nhanh của tiến trình tạo sữa trong 2 ngày cuối của thai kỳ, bất kỳ những bất thường trong thời điểm tạo sữa đều nguy hiểm cho chó sơ sinh (chẳng hạn chứng viêm tử cung, viêm vú và mất sữa).

1 Protein dự trữ

Ở chó sơ sinh, năng lượng dự trữ cơ bản xuất phát từ protein, kế đến là carbohydrate (glycogen) và sau cùng là mỡ. Tuy nhiên tốc độ thoái biến protein xảy ra chậm (chỉ cung cấp 3 – 7% của lượng nhiệt sản xuất lúc đói).

2  Glycogen dự trữ

Glycogen là nguồn cung năng lượng chính, chiếm 60 – 70% năng lượng trong số năng lượng có sẵn lúc sinh để sử dụng. Lượng glycogen dự trữ khoảng 30 – 38 g/kg trọng lượng, trong đó quan trọng là glycogen ở gan và cơ xương. Hàm lượng glycogen trong gan chiếm 14 – 16% trọng lượng gan và trong cơ xương chiếm 7 – 9% trọng lượng cơ xương.

Vài nghiên cứu cho thấy có sự giảm nhanh của glycogen trong gan và cơ ngay sau khi sanh. Trong điều kiện nhiệt độ môi trường bình thường vào lúc sanh, 75% glycogen của gan và 41% glycogen của cơ được sử dụng trong vòng 12 giờ sau khi sanh. Nếu chó sơ sinh gặp lạnh, tốc độ mất glycogen ở hai bộ phận này xảy ra nhanh hơn. Glycogen gan là nguồn năng lượng có thể được sử dụng ngay sau khi sanh và còn dùng để đối phó với tình trạng đói. Glycogen cơ là nguồn năng lượng quan trọng trong điều hòa thân nhiệt (bằng cách run cơ) và vận động.

Chó sơ sinh không được bú đủ sữa sẽ xuất hiện triệu chứng thiếu glucose huyết trong vòng 24 giờ sau khi đẻ. Dự trữ glycogen ở gan có thể nhiều nhưng khả năng tân tạo đường bị giới hạn nếu thú không được tự do bú sữa. Thật ra, chó sơ sinh có khả năng tân tạo đường như chó trưởng thành, nhưng có lẽ vài yếu tố nào đó trong sữa đầu hoặc sữa thường cần cho hoạt động tân tạo đường của chó sơ sinh, chẳng hạn các acid béo hoặc cơ chất cần cho tân tạo đường.

Hàm lượng glucose trong máu chó sơ sinh bình thường ở khoảng 3 mM (54 mg%). Chó được xem là giảm glucose huyết khi hàm lượng glucose huyết còn 2,27 mM (48,6 mg%).

Khi được nuôi ở nhiệt độ môi trường 32 – 380C, chó sơ sinh bị đói đã phát triển tình trạng giảm glucose huyết trầm trọng và không còn glycogen dự trữ ở gan vào 45 giờ sau khi sanh. Nếu nuôi ở nhiệt độ 18 – 26oC, glycogen của gan chó đói bị triệt cạn trong vòng 12 giờ sau khi sanh, còn chó sơ sinh được cho bú thì glycogen gan vẫn còn cho đến 24 giờ sau khi sanh. Triệt cạn glycogen gan là do sự run cơ để duy trì thân nhiệt sau khi sanh. Trong những giờ đầu sau khi sanh, cơ thể chó con dùng năng lượng từ glycogen của cơ thông qua tiến trình run cơ. Khi glycogen cơ bị triệt cạn, cơ sẽ dùng glucose từ máu. Glucose từ máu là do thủy phân glycogen ở gan và tân tạo đường. Glycogen dự trữ ở gan chỉ chiếm khoảng 15% glycogen có sẵn trong cơ thể, do đó sự tân tạo đường phải xảy ra để tránh giảm thân nhiệt và tránh xáo trộn não bộ. Những yếu tố làm chó con bị đói và giảm glucose huyết thường xảy ra ngay sau khi sanh và bao gồm: không cố định vú mẹ của mỗi chó con nhất là chó con nhỏ vóc, stress do lạnh, không bú được, bệnh đường tiêu hóa, glycogen dự trữ thiếu, khả năng tân tạo đường của chó con và khả năng tạo sữa của chó mẹ không cao.

3  Lipid dự trữ

Lượng mỡ ở chó sơ sinh rất thấp (1 – 2%) và thiếu mỡ nâu. Tế bào mỡ nâu có thể có ở thú hữu nhũ sơ sinh, thú ngủ đông hoặc thú thích nghi với lạnh. Màu nâu của mỡ là do bởi nhiều mạch máu đi đến và nhiều sắc tố. Dưới kính hiển vi, tế bào mỡ nâu có hình dạng khác với tế bào mỡ trắng. Chúng có kích thước nhỏ, nhiều tế bào chất và ty thể. Tế bào mỡ nâu tạo nên nhiệt qua một tiến trình gọi là ‘tạo nhiệt không run cơ’. Thay vì phóng thích acid béo vào máu giống như tế bào mỡ trắng, tế bào mỡ nâu oxyt hóa acid béo trực tiếp để giải phóng năng lượng.

Trên gia súc, mô mỡ nâu hiện diện lúc sơ sinh để làm ấm cơ thể thì hiếm khi tồn tại lâu dài. Chó sơ sinh chỉ có một ít mô mỡ nâu, do đó cần giữ ấm chó con bằng cách úm. Mô mỡ nâu có thể tồn tại khi chó 3 tuần tuổi và mất dần. Nơi mà mô mỡ nâu hiện diện (vùng ức, vai) sẽ phát triển thành mô mỡ trắng sau đó. Tuy nhiên, mô mỡ trắng không thể biến đổi ngược lại thành mô mỡ nâu.

Ngoài ra, 45 – 50% mỡ cơ thể lại ở dưới dạng phospholipid và ở dưới dạng tham gia cấu trúc cơ thể, do đó rất ít năng lượng có sẵn từ mỡ này. Đối với dòng chó cơ bắp bẩm sinh hay lai chọn lọc ra những dòng chó cơ bắp thìc chó con còn ít mỡ dự trữ hơn nữa (Herpin và ctv, 1993). Ngoài ra, khi thai tăng trưởng chậm do chó mẹ kém dinh dưỡng hay do nhau thai nhỏ, lượng chất béo trong cơ thể chó sơ sinh thường giảm, còn lượng glycogen dự trữ lại không bị ảnh hưởng.

Sự sử dụng mỡ dự trữ trong lúc chó đói cũng thấp vì người ta thấy rằng acid béo tự do trong huyết tương rất thấp và mỡ dự trữ chỉ đóng góp 10% trong lượng nhiệt được tạo lúc đói. Thí nghiệm ở Đại học Georgia của Hoa Kỳ cho thấy sự tích lũy mỡ được điều hòa bởi tuyến yên của thai; kích thích tố insulin làm tăng tạo mỡ và kích thích tố tăng trưởng làm tăng thoái hóa mỡ. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lượng mỡ dự trữ sẽ làm chó sơ sinh dễ mất glycogen dự trữ vì cơ thể dùng nhiều glycogen.