Làm sao để biết chó của mình có bị dị ứng thức ăn không? (P2)

Phần 1: Dị ứng thực phẩm và nhạy cảm thức ăn trên chó mèo là gì? và Nguyên nhân bị dị ứng thức ăn

Làm sao để biết chó của mình có bị dị ứng thức ăn không?

Để chẩn đoán chính xác chó có bị dị ứng thực phẩm hay không là việc khá khó. Những triệu chứng phổ biến nhất thường thấy ở các ca dị ứng thực phẩm là hệ thống tiêu hoá bị tổn thương hoặc da sưng tấy. Một số trường hợp còn bị ngứa và tuy ít gặp nhưng có xuất hiện những triệu chứng về đường ruột. Tổn thương da ở chó bị dị ứng thường xuất hiện trên các vùng mặt, bàn chân và tai.

Các triệu chứng bị dị ứng thực phẩm thường bị lầm với triệu chứng của các bệnh về da chẳng hạn như bị ve cắn, bị viêm da thường hay viêm da cơ địa (atopy). Đối với những chú chó bị viêm nhiễm ngoài tai mãn tính hay tái đi tái lại cũng cần phải được kiểm tra xem có bị dị ứng với thực phẩm hay không.

Nếu chó của bạn bị nôn ói thường xuyên, đi tiêu chảy, da bị nổi mẩn đỏ, sưng tấy, hoặc lông xác xơ, rụng lông, thì có thể chú bị dị ứng thực phẩm đấy. Bạn có thể để ý một số biểu hiện đặc biệt sau:

Nôn mửa hoặc đi tiêu chảy

Đầy hơi trướng bụng

Gãi liên tục hoặc bị rụng lông

Da nổi mẩn đỏ, phồng rộp

Tai ngứa thường xuyên, mãn tính

Chó con bị còi

Ho, khò khè hay hắt hơi nhiều

QUAN TRỌNG: Một số triệu chứng của dị ứng thực phẩm cũng khá giống với triệu chứng của một số bệnh khác, do đó để chắc chắn rằng chó của bạn bị dị ứng thực phẩm thì khi thấy những triệu chứng nêu trên xuất hiện, hãy nghe thêm tư vấn của bác sĩ thú y.

Chữa trị: Tầm quan trọng của chất dinh dưỡng

Dị ứng thực phẩm hay nhạy cảm với thực phẩm (do cơ địa không chịu được loại thức ăn nào đó) có thể kéo dài suốt đời của chú chó. Mục tiêu chính trong việc kiểm soát và hạn chế tác động của những phản ứng cơ thể khi bị dị ứng thực phẩm là tìm ra và tránh dùng những thực phẩm nào gây dị ứng cho chó. Nếu chú cún của bạn bị dị ứng thực phẩm, thì việc cho ăn đúng thực phẩm và đúng cách lại càng đóng vai trò quan trọng.

Thử nghiệm bằng phương pháp loại trừ – có nghĩa là thử loại bỏ một số thành phần thức ăn trong bữa ăn mà bạn thường cho cún ăn – là phương pháp thiết thực nhất để chẩn đoán xem chú cún của bạn có bị dị ứng thực phẩm không. Thực phẩm cho cún cưng cần phải được duy trì sự cân bằng dinh dưỡng và chứa càng ít thành phần, càng ít chất phụ gia càng tốt. Bạn hãy để ý loại bỏ triệt để tất cả những đầu mối mà chú cún có thể tiếp xúc với những thực phẩm mà bạn đang tiến hành cô lập để loại trừ (trong quá trình tìm ra và xác định chất gây dị ứng) , từ thức ăn trên bàn ăn của người, đến thức ăn cho cún, đồ gặm, thức ăn để thưởng/dụ cho cún, snacks,…

Nếu phát hiện thấy chú cún của bạn bị dị ứng với một loại thịt nào đó, hãy thay vào đó bằng một nguồn protein khác, mới, chẳng hạn như: trứng, vịt, đầu gà, hay cá. Nếu chú cún cũng không hợp được với những loại thức ăn này thì có thể nó bị dị ứng với tất cả các thức ăn có chứa đạm, do đó bạn cần tìm một nguồn đạm đã được phân hoá (broken protein). Để chắc ăn nhất, hãy đến hỏi và nhờ bác sĩ thú y tư vấn thêm về việc lựa chọn khẩu phần ăn hợp lý cho cún cưng để tránh bị dị ứng thực phẩm.

Những câu hỏi có thể hỏi chuyên gia dinh dưỡng khi chó của bạn bị dị ứng thực phẩm:

  1. Đối với bệnh dị ứng thực phẩm của chú chó tôi nuôi thì tôi cần phải tránh không cho nó ăn những thực phẩm nào?

Hỏi thêm là thức ăn cho người có gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của chó không.

  1. Theo chuyên gia dinh dưỡng thì khẩu phần ăn thích hợp của chú chó nhà tôi bao gồm những gì?

Hỏi thêm: Chế độ dinh dưỡng thích hợp cho chó? Với khẩu phần ăn được tư vấn cho thì cho ăn bao lâu một lần? Hỏi chuyên gia dinh dưỡng nên chọn loại thức ăn nào làm thức ăn để thưởng cho chó (khi nó ngoan)

  1. Nếu thay đổi khẩu phần ăn thì bao lâu sức khoẻ của chó mới trở lại bình thường?
  2. Bác sĩ có thể cho tôi thêm tài liệu tham khảo (viết tay hay tờ rơi) về dị ứng thực phẩm ở chó không?
  3. Cách nào tiện nhất để liên lạc với bác sĩ? Email hay điện thoại hay đến bệnh viện gặp trực tiếp khi tôi cần được tư vấn?

Biên dịch và biên tập bởi Thịnh Hưng

Nguồn: http://www.hillspet.com

Dị ứng thực phẩm/thức ăn và chứng nhạy cảm thức ăn ở Chó (P1)

Dị ứng thực phẩm/thức ăn và chứng nhạy cảm thức ăn ở Chó

Dị ứng thực phẩm và nhạy cảm thức ăn là gì?

(Thịnh Hưng: nói dễ hiểu là cơ thể của chó không chịu được một số loại chất trong thức ăn)

Dị ứng là một triệu chứng không dễ chịu chút nào đối với bất cứ ai trong chúng ta, nhưng đối với các chú cún thì còn khó chịu hơn nhiều bởi chúng chẳng thể nói ra và cũng không hiểu vì sao mình lại bị bệnh. Dị ứng thức ăn hay còn gọi là nhạy cảm thức ăn được gây ra bởi sự phản ứng của cơ thể đối với một chất đặc biệt nào đó. Đôi khi thuật ngữ này dùng để diễn tả phản ứng ngược của cơ thể đối với thức ăn, hoặc phản ứng bất thường của cơ thể đối với một số loại thực phẩm/chất phụ gia nào đó.

Có 2 cấp độ phản ứng ngược của cơ thể: Một loại do hệ miễn dịch gây ra (thường được gọi là dị ứng thực phẩm); và loại kia không liên quan đến các yếu tố miễn dịch (thường được gọi là chứng nhạy cảm thức ăn – không chịu được một số loại thức ăn nào đó).

Nguyên nhân bị dị ứng thực phẩm/nhạy cảm thức ăn

Cơ thể chó phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới phát triển được cơ chế dị ứng phản vệ đối với một số loại thực phẩm nào đó. Tuy nhiên, một khi đã bị dị ứng với một loại thực phẩm nào thì hầu như lúc nào cơ thể chó cũng sẽ có những phản ứng tiêu cực đối với thực phẩm đó. Các phản ứng dị ứng ở chó thông thường có liên quan đến những thực phẩm có hàm lượng protein cao – chú yếu là thực phẩm có nguồn gốc từ thịt.

Thức ăn: Những loại thức ăn thường gây dị ứng ở chó là thịt bò, sữa và bột mì.

Bị dị ứng sau khi bị tổn thương: Chó sau khi bị viêm, nhiễm, sau phẫu thuật hay sau quá trình điều trị một loại bệnh nào đó gây hư hại hệ thống tiêu hoá và từ đó sinh ra chứng dị ứng thức ăn.

Độ tuổi: Chó ở mọi độ tuổi đều có thể bị dị ứng

Dòng chó: Một số dòng chó có vẻ dễ bị dị ứng thực phẩm hơn những dòng khác. Đó là các dòng chó: chó sục trắng cao nguyên miền Tây (West Highland White terriers), chó cocker Tây Ban Nha (cocker spaniels) và giống chó săn Irish setters

Phần 2: Làm sao biết chó bị dị ứng thức ăn và cách phòng ngừa

Dịch và biên tập bởi Thịnh Hưng

Nguồn: http://www.hillspet.com